Bảy Điều Kỳ Diệu Ở Học Viện Gấp Giấy
Ghi chép về nhiều sự kiện không thể tưởng tượng trong trường của một học sinh ở Học Viện Gấp Giấy.

Bảy Điều Kỳ Diệu Ở Học Viện Gấp Giấy


1. Kho Cũ

Phiên bản gốc:

Chuyện này là bạn cùng phòng của tôi nghe một người chị đã tốt nghiệp nhiều năm kể lại: Nghe đồn dưới tầng hầm thư viện trường có một nhà kho cũ kỹ bỏ hoang đã rất nhiều năm... Đây là một nhà kho rất lớn, dành riêng để chứa những tài liệu giảng dạy không dùng đến nữa, hoặc những loại sách cũ như tiểu thuyết đã hết thời và tạp chí thời cổ lỗ sĩ nào đó.

Cũng giống như việc sách ở đời thực dễ bị mối mọt khi không được bảo quản đúng cách, trong những cuốn sách đó cũng sinh ra một vài "vật lạ". Người chị ấy cũng không biết rốt cuộc thứ đó là gì, song chị ấy phỏng đoán rất có thể là loại quái vật kiểu như Meme Vùng Hồi Ức... Tóm lại trong khoảng thời gian đó, khu vực thư viện đã bị phong tỏa, ngày nào cũng có Bloodhound đi ra đi vào, với lại... Nghe đồn có một số người đi vào và không bao giờ trở ra nữa.

Có một kẻ liều lĩnh nọ đã cố gắng lẻn vào nhưng không thành công. Sau đó, khi nói chuyện với người khác, cậu ấy nói rằng trước khi bị Bloodhound phát hiện, hình như cậu ấy đã nghe thấy một tiếng gầm gừ vô cùng đáng sợ vang lên từ dưới lòng đất.

Không lâu sau, thư viện mở cửa trở lại, mọi thứ trông vẫn giống như trước, nhưng cánh cửa ra vào kho đã không còn ở đó nữa.

Phiên bản biến thể phổ biến:

Có người khẳng định rằng bên dưới thư viện thực ra đang ẩn giấu một Meme Vùng Hồi Ức từ Thời Kỳ Khủng Hoảng. Nội dung của phiên bản này được lấy từ bài tổng hợp các sự kiện siêu nhiên trên diễn đàn nhà trường. Nguyên văn như sau:

"Khác với những Meme thông thường, Meme này đã sở hữu hình dáng và trí tuệ của con người sau khi sống chung với con người quá lâu, trở nên vô cùng khó đối phó, cuối cùng đã bị Gia Tộc Bloodhound, Sảnh Đường Hồi Ức và Công Ty Hành Tinh Hòa Bình hợp tác vây quét, nên mới giam giữ thành công phía dưới thư viện."

Tác giả bình luận:

Tác giả đã cố gắng tìm kiếm thêm thông tin về phiên bản biến thể, nhưng kết quả thu được rất ít. Tuy nhiên, chi tiết đề cập đến việc "thành lập Học Viện Gấp Giấy là để trấn áp Meme này bằng tiềm thức của nhiều sinh viên" có thể là một điểm liên kết giữa hai câu chuyện, đáng được khai thác sâu hơn.


2. Chim Trong Sương Mù

Phiên bản gốc:

Chuyện đó à? Tôi biết mà, ở ngay gần cái đài phun nước ở phía Tây Nam của Học Viện Hòa Hợp đó... Nghe nói rất nhiều người đã gặp rồi, tình huống mỗi lần đều na ná nhau, lúc nào cũng là đang đi một mình, rồi bỗng dưng sương mù dày đặc nổi lên, chẳng nhìn thấy gì cả, đi hướng nào cũng không đến nơi, chỉ có cách đi theo tiếng chim kêu vọng ra từ trong sương mù để đến đài phun nước thì mới thoát ra được.

Nhưng mà... Nghe nói có người của Học Viện Tài Phú đã chứng kiến toàn bộ quá trình sự việc, cậu ấy nhìn thấy anh chàng xui xẻo "đi lạc" đó, từ đầu tới cuối chẳng qua là cứ đi lòng vòng xung quanh đài phun nước thôi.

Phiên bản biến thể phổ biến:

Còn về tiếng chim kêu trong sương mù, lời giải thích phổ biến nhất hiện nay là: Đó thực chất là Chim Giấy do linh hồn của một Kiến Trúc Sư Xây Mộng đã không may qua đời trong quá trình xây dựng ngôi trường này biến thành.

Còn về lý do tại sao lại chỉ đường cho mọi người? Có người nói rằng nó đang bảo vệ các sinh viên, cũng có người nói vì nó cô độc một mình quá lâu nên muốn chơi trò trốn tìm với mọi người.

Tác giả bình luận:

Hình tượng bộ truyện tranh hoạt hình "Cậu Bé Đồng Hồ" luôn giữ một vị trí quan trọng trong quá trình lưu hành và biến đổi của những câu chuyện ma quái địa phương tại Penacony.

Còn về truyền thuyết "Chim Giấy", vào những thời khắc khác nhau sẽ có những phiên bản khác nhau được lưu truyền, chi tiết của những câu chuyện này chịu ảnh hưởng bởi đặc trưng văn hóa của khu vực, ví dụ như ở "Thời Khắc Hoàng Kim", danh tính của hồn ma thường được mô tả như một vị Khách Tìm Mộng, nhưng về kết cấu kể chuyện (như sự thay đổi góc nhìn) và các yếu tố chính (như sương mù, lạc đường và tiếng chim kêu) luôn được giữ tương đối nhất quán.


3. Giáo Sư Biến Hình

Phiên bản gốc:

Thực ra tôi chưa tận mắt chứng kiến chuyện này, nhưng mọi người đều truyền tai nhau như vậy... Thậm chí tôi nghĩ rằng, cho dù chuyện đó là thật thì cũng chẳng lạ gì... Bạn có biết vị giáo sư khó ưa ở Học Viện Tài Phú không? Chính là người mà mỗi lần học môn tự chọn đều điểm danh, mà tỷ lệ rớt môn còn rất cao đó!

Nghe nói mấy ngày trước, thầy ấy đã biến thành bóng bay rồi... Hình như là do hôm nọ có tiết, thầy ấy tự nhiên bảo cả lớp làm kiểm tra ngay tại chỗ luôn, ai mà không đạt thì sẽ bị trừ điểm tổng kết cuối kỳ. Có một bạn sinh viên đã cãi nhau với thầy ấy, sau đó thầy ấy nói: "Muốn tôi hủy bài kiểm tra? Được thôi, trừ phi bây giờ tôi biến thành một quả bóng bay."

Sau đó... Nghe nói quả bong bóng bay đó có màu đỏ, bên trên còn vẽ một khuôn mặt hề méo mó nữa.

Phiên bản biến thể phổ biến:

Trong các phiên bản đã biết khác, lý do dẫn đến xung đột giữa giáo sư và sinh viên gồm có: Làm khó dễ học sinh yếu, mắng nhiếc cặp đôi (cho rằng họ làm rối loạn trật tự lớp học), đã mắc lỗi chuyên môn trong quá trình giảng dạy (nhưng không chịu ăn năn vì sợ mất mặt).

Tác giả bình luận:

Trong quá trình điều tra, tác giả đã nhận thấy một hiện tượng khá thú vị: So với những câu chuyện ma khác, những người kể chuyện trong câu chuyện này thường có thiên hướng "tích cực" hơn.

Trong khi kể chuyện, đa số họ đều thể hiện vẻ khuây khỏa và hài lòng theo nhiều mức độ khác nhau (đôi khi, thậm chí còn vui sướng trước nỗi bất hạnh của người khác), đồng thời, họ thường xuyên dùng ánh mắt ẩn ý và cử chỉ khéo léo, lấy sự "hài hước" làm bình phong để che đậy tính hiếu chiến của bản thân mình (đối với một vài vị giáo sư không được lòng nào đó).


4. Tin Nhắn Thất Bại

Phiên bản gốc:

■■■ Tức chết đi được! Mặc dù tôi không tin vào mấy cái chuyện này lắm, nhưng sao xui xẻo quá đi. Rốt cuộc là kẻ rỗi hơi ■■■ nào lại gửi mấy thứ thất đức này hàng ngày luôn vậy! Bạn nhìn đi, nhìn đi! Đây là việc mà một con người có thể làm được à...

"Vui lòng chia sẻ cho 20 người trong vòng 3 ngày, nếu không, bạn sẽ rớt tất cả các môn chuyên ngành trong học kỳ này. Nếu không tin thì cứ thử xem sao nhé!"

Nghe nói những người đã nhận được tin nhắn này trước đây, chỉ cần không chia sẻ nó thì sẽ bị rớt môn thực sự... Chẳng lẽ đó là trò đùa ác ý do một vị giáo sư nào đó bày ra? ■■, tốt nhất đừng để tôi bắt được kẻ đó, thật, nếu không ■■■ tôi sẽ đánh đến khi nào hắn tỉnh táo lại mới thôi!

Phiên bản biến thể phổ biến:

Còn về nguồn gốc ban đầu của tin nhắn, các cách nói phổ biến hiện tại gồm có: Sinh viên bị kéo dài thời gian tốt nghiệp vì thành tích kém, sinh viên ưu tú bị mất học bổng vì nội tình mờ ám, vị giáo sư già hắc ám căm ghét người trẻ tuổi.

Tác giả bình luận:

Bất kể là ai, có thể làm ra trò này thì chắc chắn là một kẻ biến thái có vấn đề về tâm lý.


5. Giao Thoa Thời Không

Phiên bản gốc:

Tuy nhiên... Tôi cảm thấy... Chỉ là tôi cảm thấy thôi nhé, chuyện này nghe có vẻ hơi lãng mạn nữa... Ừm... Bạn hiểu mà nhỉ, chính là cảm giác "vượt qua không gian và thời gian chỉ để gặp nhau tại đây" ấy!

Ờ... Được rồi, nói nghiêm túc nhé, vị trí cái bàn học đó, bạn biết chứ gì? Đúng rồi, chính là phòng tự học cuối dãy ở tầng 3, hàng cuối cùng sát cửa sổ. Bạn của bạn tôi đã từng thử để lại tin nhắn ở đó, và nghe nói, hồn ma đã trả lời cô ấy chính là học trò của hiệu trưởng Glaux...

Hả? Không có, dĩ nhiên cô ấy không mất tích, cũng không có lời nguyền rủa kỳ quái gì cả. Cuộc trò chuyện của họ rất ngắn, nhưng lại vô cùng vui vẻ. Ngoại trừ việc không thể xác minh được tính thật giả của sự việc này ra, thì mọi thứ đều rất ổn. Vậy nên như tôi vừa mới nói, nó giống như một tình tiết chỉ có trong tiểu thuyết, phải không?

Phiên bản biến thể phổ biến:

Điểm khác biệt chủ yếu giữa các phiên bản của câu chuyện ma này nằm ở "tính nguy hiểm" của nó. Trong phần miêu tả ban đầu, hồn ma xuất hiện với vẻ ngoài hoàn toàn vô hại. Nhưng cùng với sự phát triển tiếp theo, những phiên bản mang yếu tố kinh dị như "nguyền rủa", "trả giá", "mất tích" vân vân dần lan rộng ra.

Tác giả bình luận:

Trong quá trình truyền miệng những câu chuyện ma, người ta thường thêm thắt một số "chi tiết" để giữ được tính sống động của câu chuyện. Lấy câu chuyện ma này làm ví dụ, hãy so sánh phiên bản đầu tiên với hàng loạt biến thể được sáng tạo ra sau này, sẽ thấy có sự khác biệt rất đáng kể về mức độ thảo luận và phạm vi lan truyền.

Những thủ pháp tương tự thường thấy bao gồm: Xây dựng kết cấu kể chuyện hoàn chỉnh hơn cho những câu chuyện ma quái (như phục bút và thu hồi), tạo ra các tình huống hình tượng hơn (như miêu tả chi tiết hơn về nạn nhân và người cứu giúp), cũng như kết hợp chặt chẽ với phong tục địa phương hoặc trải nghiệm cá nhân (khiến một nhóm đối tượng cụ thể nào đó càng dễ đồng cảm hơn), vân vân.


6. Bóng Cây

Phiên bản gốc:

Chuyện này, tôi cũng chỉ nghe đồn thôi... Nhưng kể từ lúc đó trở đi, tôi không còn dám đến vườn hoa của học viện chúng ta nữa.

Ở góc Đông Bắc của vườn hoa có một cái cây đa to đùng đó, chắc bạn cũng biết ha? Nghe nói có cặp đôi nọ hẹn hò dưới gốc cây đó, đang lúc tình cảm cao trào thì bỗng dưng lá cây trên đầu thi nhau kêu xào xạc, còn thoáng nghe thấy tiếng hà hơi nữa, nghe như thể có con mèo hay con vật nhỏ nào đó đang đánh nhau ở trên cây vậy.

Cặp đôi bị tiếng ồn làm mất hết hứng thú, nên đã bỏ đi. Đến ngày hôm sau họ mới biết, có người đã treo cổ tự tử trên cây đa nơi họ hẹn hò. Nghe nói anh chàng đáng thương đó vì một lý do nào đó mà không thể tỉnh lại kịp thời, dẫn đến việc phải trải qua một quá trình "bỏ mạng" vô cùng dài dẵng, cuối cùng tinh thần hoàn toàn sụp đổ luôn.

Phiên bản biến thể phổ biến:

Trong quá trình truyền miệng câu chuyện ma này, về cơ bản nó vẫn giữ nguyên được diện mạo ban đầu của câu chuyện, chỉ thêm vào vài chi tiết ở các mức độ khác nhau: Chẳng hạn như có phiên bản đã thêm vào chi tiết cãi vã của cặp đôi sau khi bị quấy rầy, có phiên bản lại miêu tả chi tiết hơn về phản ứng của họ sau khi biết được sự thật.

Tác giả bình luận:

So với "Giao Thoa Thời Không", câu chuyện ma quái này ngay từ đầu đã có một kết cấu hoàn chỉnh và những yếu tố kích thích đủ để thu hút ánh nhìn. Vì vậy trong quá trình phát triển sau này, người ta thường có xu hướng "làm phong phú" nó hơn là "viết lại" câu chuyện.

Còn về một nghi vấn luôn tồn tại trong câu chuyện này: "Tại sao những người bị kích thích mạnh trong giấc mơ lại không thể tỉnh dậy ngay lập tức", kiểu vấn đề liên quan đến tính an toàn của Hệ Thống Nhập Mộng này... Chỉ có thể nói rằng, song song với việc làm thỏa mãn nhu cầu tìm kiếm nỗi sợ và tâm lý hiếu kỳ, con người ít nhiều thường có xu hướng bỏ qua tính bất hợp lý về mặt logic.


7. Trì Hoãn Tốt Nghiệp

Phiên bản gốc:

Theo tôi, chính là anh chàng học ngành tài chính đó! Anh ấy học trên tôi hai khóa, thường ngày rất ít nói, không có nhiều bạn bè, cũng chẳng bao giờ gây sự chú ý.

Sau đó... Nghe nói hình như là vì vấn đề thành tích nên phải trì hoãn tốt nghiệp, áp lực quá lớn đến nỗi đầu óc có chút bất thường, thế là bắt đầu cách dăm bữa lại nghĩ cách để tự tìm đến cái chết. Ừ, đúng nghĩa đen đó, nào là nhảy xuống từ phòng học nè, lặn xuống hồ bơi nè, treo mình lên cây đa nè... Mặc dù hầu hết các trường hợp đều được ngăn chặn kịp thời, nhưng lúc đó, anh ấy cũng coi là một cảnh tượng kỳ lạ trong trường.

Sau đó? Sau đó ra sao thì tôi cũng không biết nữa. Có người nói anh ấy vì quen tìm đến cái chết khi đang ở trong mơ rồi, nên khi quay về thực tại thì nhất thời không phân biệt được, nên đã tự làm hại luôn bản thân mình.

Tóm lại là ở học kỳ này tôi không còn nhìn thấy anh ấy nữa.

Phiên bản biến thể phổ biến:

Qua điều tra thống kê, tất cả các khu học viện của Học Viện Gấp Giấy đều tồn tại những câu chuyện kỳ lạ tương tự. Nguyên nhân dẫn đến thất bại của nhân vật chính bao gồm: Thất tình, gia đình bất hòa, bạo lực học đường, giáo viên kỳ thị, hoặc các yếu tố nội tâm cá nhân khác. Và hầu hết các câu chuyện đều kết thúc với cái chết của nhân vật chính (do không phân biệt được giữa giấc mơ và hiện thực).

Tác giả bình luận:

Câu chuyện ma quái này mang thông điệp cảnh báo khá mạnh: Xét về nội dung thất bại, nó phản ánh tình trạng căng thẳng và lo âu phổ biến trong giới sinh viên; Còn về kết cục, nó đã thể hiện nỗi lo ngại của mọi người về tính an toàn khi nhập mộng.


8. Khỉ Ngủ Say Chúi

Phiên bản gốc:

[Đang điều tra]

Phiên bản biến thể phổ biến:

[Đang điều tra]

Tác giả bình luận:

* Trào lưu "Khỉ Ngủ Say Chúi" thịnh hành cách đây không lâu đột ngột im hơi lặng tiếng, và phản ứng của mọi người đều quá "bình thường", điều này rất đáng ngờ.


9. Đài Phát Thanh Mực Gỉ

Phiên bản gốc:

[Đang điều tra]

Phiên bản biến thể phổ biến:

[Đang điều tra]

Tác giả bình luận:

* Cái đài phát thanh đó chắc chắn có gì đó kỳ lạ, dù không ai tin cũng không sao, tôi sẽ điều tra cho ra lẽ!