Một quyển tuyển tập dân ca của Người Boris, được sắp xếp chú thích bởi Khoa Văn Hóa Nhân Loại của Học Cung Uyên Bác.
Kỳ 1
Kính gửi Thập Vương:
Tôi là tiến sĩ Zongguang thuộc Khoa Văn Hóa Nhân Loại của Học Cung Uyên Bác Luofu.
Tôi cùng với các tiến sĩ, học sinh khác tổng cộng hai mươi sáu người, đã dùng các cách thức như đến để tìm kiếm trang phục chiến đấu, tìm cách giải phóng nô lệ, và cả việc dùng thân phận sứ đoàn thương mại của công ty để trà trộn vào nơi định cư của Người Boris và thực hiện điều tra, qua đó thu thập và ghi chép lại hiện tượng văn hóa của nhóm săn, bộ lạc Người Boris.
Trong quá trình điều tra nghiên cứu, có ba tiến sĩ đã gặp chuyện bất trắc, thầy của tôi cũng không may nằm trong số đó.
Giờ đây công việc sắp xếp nghiên cứu của hơn sáu mươi năm đã khép lại, chúng tôi xin dâng lên bộ "Tuyển Tập Dân Ca Người Boris" này. Quyển sách này tập hợp hai trăm năm mươi mốt bài ca dao, sử thi truyền miệng của Người Boris, dùng để tham khảo.
Tiến sĩ Học Cung Uyên Bác Luofu - Zongguang
...
27. Sự ra đời của Duran [1]
Năm đó Người Boris có tuổi thọ ngắn, còn yếu đuối hơn cả các loài vật nuôi. Không dám xuất hiện vào ban ngày, chiến đấu sinh tồn ở vùng sông suối giữa núi rừng.[2] Hôm đó đột nhiên mây mưa mù mịt, trên những tầng mây là sấm chớp ngang trời. Sau vài tiếng sấm, máu thịt từ trên trời rơi xuống. Đại pháp sư vừa niệm văn khấn vừa liên tục khấu đầu. Nghe nói đây là "thụy thú" của Chúa Tể Trường Sinh tạo ra.[3] Bảy mươi hai ngày sau đó, trưởng thôn đã sinh hạ cốt nhục của mình,[4] Vừa mới chào đời đã mạnh mẽ như mãnh thú. Đây chính là Duran, Chiến Thủ đầu tiên của chúng ta.
Chú thích: [1] Bài dân ca này có ý nghĩa rất quan trọng trong hoạt động cúng tế của Người Boris. Như chúng ta biết, Người Boris có sự lý giải và thực hành khá lệch lạc về quan niệm mà Thọ Ôn Họa Tổ đại diện. Thay vì nói rằng Chiến Thủ đời đầu Duran đã xây dựng nên "sự sùng bái Thọ Ôn Họa Tổ", chi bằng nói rằng, anh ta đã giả vờ mượn sự sùng bái này để xây đắp "khái niệm dân tộc Người Boris".
[2] Nhìn từ thành quả khai quật khảo cổ hiện tại, phần này cơ bản là sự thật. Vào thời đại chưa được trường sinh, Người Boris quả thực đã phát triển khá chậm vì môi trường tự nhiên quá khắc nghiệt của thế giới cố hương.
[3] Chưa tìm thấy chứng cứ chứng minh trong lịch sử từng xảy ra lần hóa thân này của Thọ Ôn. Dựa theo một số tài liệu lịch sử để suy đoán, để chứng minh "thiên mệnh" của Duran mà tác giả bài ca dao đã bịa ra truyền thuyết.
[4] "Mang thai vài ngày là hạ sinh" là bối cảnh thường thấy của các anh hùng trong ca dao của Người Boris, ngày nay hầu như đã trở thành một biện pháp tu từ, mỗi một Chiến Thủ đều tự xưng mình chỉ ở trong bụng mẹ có mấy ngày.
...
28. Duran tham kiến Chúa Tể Trường Sinh [1]
Duran bước lên con đường chông gai, giúp chúng ta tìm kiếm Chúa Tể Trường Sinh. Vì để Người Boris có thể thống lĩnh vạn vật, để chúng ta có thể thoát khỏi sinh tử khổ đau.[2] Chúa Tể Trường Sinh sẽ không bố thí một cách vô độ, chỉ có kẻ mạnh mới nhận được tuổi thọ vô biên.[3] Chúa Tể Trường Sinh ra lệnh cho hàng vạn Tộc Hồ Ly, bảo vệ cho linh thụ mà ngài đã điểm hóa.[4] Chúa Tể Trường Sinh đã để lại cho y con ác thú, ra lệnh y cưỡi thú để lấy sương mai đọng trên nhành cây. Duran và ác thú khí thế hùng hồn, trảm sát vạn người xông phá tầng mây.[5] Tàn sát đến mức khắp trời đều là thịt nát xương tan, tàn sát đến khi không còn ai dám cản đường y nữa. Duran đạp lên dòng sông máu bước về phía linh thụ, thành kính lấy giọt sương trên cành cây. Duran sau khi được trường sinh bèn hỏi Chúa Tể Trường Sinh: "Có thể nào ban ân huệ này cho đồng tộc của tôi?" Chúa Tể Trường Sinh vĩ đại, từ đám mây đã cho rơi xuống vạn giọt sương mai, vạn vật trên mặt đất đều được hưởng thọ vạn cổ.[6] Sau khi Chúa Tể Trường Sinh điểm hóa vạn vật, lại lệnh cho hàng vạn Tộc Hồ Ly: "Các ngươi đã bị Duran chinh phục, đời đời kiếp kiếp đều phải làm nô bộc cho Boris."[7] Lại ban cho Người Boris mình đồng da sắt, lệnh cho chúng ta phải chinh phục thiên hà để báo đáp thần ân.[8]
Chú thích: [1] Bài dân ca này là cội nguồn ký ức dân tộc của Người Boris, nhưng nội dung của nó hoàn toàn không có bất cứ căn cứ lịch sử học nào. Quả thật nó đã miêu tả vài sự kiện quan trọng trong lịch sử Người Boris, nhưng đều đã thêm thắt ở một mức độ nào đó.
[2] Theo các tài liệu lịch sử và chứng cứ khảo cổ học hiện có đều cho thấy, hành vi tùy tiện gieo rắc Thọ Ôn của Thọ Ôn Họa Tổ đã dấy lên cuộc khởi nghĩa bất ngờ của Người Boris. Dù sao thì với trình độ văn minh của Người Boris vào lúc đó hoàn toàn không thể chủ động diện kiến Aeon.
[3] Cho dù đối tượng là Thọ Ôn Họa Tổ, thì câu nói này cũng có thể xem là tùy tiện vu khống. Từ đó cũng có thể thấy, về mặt tín ngưỡng, Người Boris đã dựa vào thói quen văn hóa của dân tộc mình để giải thích quan niệm của Trù Phú.
[4] Bài dân ca này đã hư cấu ra một cốt truyện "Chúa Tể Trường Sinh ra lệnh Người Hồ Ly thử thách Người Boris", từ đó để hợp lý hóa truyền thuyết hư cấu về Người Boris bắt Người Hồ Ly làm nô lệ.
[5] Từ các chứng cứ khảo cổ học hiện tại cho thấy, sau khi Người Boris được trường sinh, phải trải qua ít nhất hai Hổ Phách Kỷ thì Người Boris mới phát minh ra Tàu Thú mà hiện nay đang sử dụng. Những ghi chép về "Ác Thú" ở đây chắc đều là hư cấu. Dù sao thì, nếu ngay cả công cụ để du hành vũ trụ cũng không có, thì không thể nào giải thích được làm thế nào Chiến Thủ Duran có thể diện kiến Aeon.
[6] Đoạn này rất thú vị, trong câu chuyện, Thọ Ôn Họa Tổ ban đầu hoàn toàn không định cho tất cả mọi người được trường sinh, là Chiến Thủ đã khẩn cầu ban phúc cho vạn dân. Điểm này cũng đã xác thực quan điểm của người viết đã đề ra trong phần chú thích ở bài dân ca 27: "Thay vì nói rằng Chiến Thủ đời đầu Duran đã xây dựng nên "sự sùng bái Thọ Ôn Họa Tổ", chi bằng nói rằng, y đã giả vờ mượn sự sùng bái này để xây đắp "khái niệm dân tộc Người Boris"."
[7] Đoạn này dụng ý rất đơn thuần, là để hợp pháp hóa chế độ nô lệ của Người Boris đối với Người Hồ Ly.
[8] Đoạn này dụng ý cũng rất đơn thuần, là để hợp pháp hóa chính sách xâm lược và cướp đoạt các nền văn minh khác của Người Boris.