Hàn Thực, Tuế Dương và Án Oan: Khảo Cổ Phong Tục Lễ Cấm Lửa
Báo cáo nghiên cứu của một thành viên Hội Trí Thức về nguồn gốc Phong Tục Học của Lễ Cấm Lửa Xianzhou.

Hàn Thực, Tuế Dương và Án Oan: Khảo Cổ Phong Tục Lễ Cấm Lửa

Đối với Liên Minh Xianzhou, Lễ Cấm Lửa là ngày lễ lớn hằng năm của Lịch Hành Tinh. Vào ngày đó, các Xianzhou sẽ cùng nhau tổ chức một đêm hội ca múa linh đình, phát sóng trực tiếp cho toàn vũ trụ, giữa các Xianzhou cũng sẽ dùng hệ thống cộng hưởng Chuông Vàng để chúc tụng nhau, mỗi Động Tiên cũng sẽ tổ chức những buổi lễ hội vô cùng náo nhiệt.

Đến ngày đó, nhà nhà ở Liên Minh Xianzhou đều sẽ chuẩn bị rất nhiều Trứng Chim Berry chế biến sẵn từ trước, bên ngoài vỏ trứng đều có khắc những hoa văn cát tường rất công phu. Có lẽ vào thời cổ xưa hơn, người Xianzhou sẽ tự khắc vỏ trứng, nhưng theo sự thay đổi của thời đại, ngày càng nhiều người bắt đầu lựa chọn mua thành phẩm được khắc bằng máy.

Đối với Dân Ngoại Giới vừa mới đến, chưa quen với phong tục địa phương, Lễ Cấm Lửa tuy náo nhiệt nhưng lại luôn đi kèm với nhiều điều kiêng kỵ kỳ lạ: Không cho phép bắn pháo bông, trong những trường hợp không cần thiết thì không được đốt lửa, không cho phép ăn đồ nóng, thậm chí còn tránh nhắc đến chữ Lửa.

Mỗi lần như vậy, người Xianzhou luôn kiên nhẫn giải thích rằng: Lễ Cấm Lửa là để tưởng nhớ những người tử vong trong Loạn Tuế Dương thời đại Hỏa Kiếp, cũng để tưởng nhớ đại anh hùng (tương truyền người này chính là Tư Mệnh Đế Cung sau này) đã bị thiêu cháy đến chết cùng với Toại Hoàng nhằm bảo vệ Xianzhou. Để tỏ lòng tôn trọng những anh linh này, người Xianzhou chọn một ngày cấm kỵ tất cả mọi thứ liên quan đến Lửa (cũng chính là Hỏa Tinh Tuế Dương).

Chú thích: Tuế Dương, tôi không biết những thế giới khác gọi loại ký sinh vật năng lượng thuần túy này như thế nào. Trong ghi chép của học phái sinh thái vũ trụ của Hội Trí Thức, loại sinh linh không có hình dạng này cũng được gọi Tinh Linh Ánh Sáng, Lửa Yêu Vô Hình và Kẻ Nhập Hồn.

Điều này nghe có vẻ là một câu chuyện khởi nguồn vô cùng hợp lý. Vấn đề duy nhất là, khởi nguồn của Lễ Cấm Lửa có sớm hơn rất nhiều so với Loạn Tuế Dương, thậm chí còn lâu đời hơn Liên Minh Xianzhou. Đó là một truyền thống vô cùng cổ xưa, thậm chí có thể ngược dòng đến tận Thời Đại Cổ Quốc khi Xianzhou chưa ra khơi.

Cải Hỏa Hàn Thực, đây là truyền thống cổ xưa của loài người. Gần như trên bất kỳ hành tinh nào có loài người sinh sống và có bốn mùa đều có bóng dáng của ngày lễ tương tự (Dù Liên Minh Xianzhou sớm đã không còn sự thay đổi mùa đúng nghĩa, nhưng truyền thống vẫn còn). Nếu so sánh với tập tục ngày lễ của văn minh ngoại vực này, chúng ta sẽ phát hiện ra một số điểm chung thú vị.

Ở Stockirk, mọi người sẽ cấm dùng lửa bảy ngày trước khi bắt đầu mùa gieo hạt, chỉ ăn món nguội. Tương truyền là để tưởng nhớ một vị anh hùng chống xâm lược, sau khi kẻ địch chiến thắng, cô bị thiêu vì tội phản nước, cho đến năm mươi năm sau mới được phản án.

Ở thượng lưu Tamagawajosui, người ta sẽ cấm dùng lửa sau khi luồng khí lạnh kết thúc, chỉ ăn món nguội (nhưng phong tục này sau khi thượng lưu Tamagawajosui đô thị hóa cao độ đã hoàn toàn biến mất). Tương truyền là để tưởng nhớ hai mươi ba người nông dân và một vị quan phụ mẫu địa phương đã tuyệt thực vì chống bất công.

Ở New Seljuk-7, tuy người ta sẽ không cấm đốt lửa vào đêm trước xuân phân, nhưng sẽ luộc thật nhiều trứng chim (người Xianzhou cũng vậy) để ăn vào ngày lễ, đây cũng là một loại tập tục còn sót lại của Cải Hỏa Hàn Thực. Tương truyền là để tưởng nhớ một nhân sĩ trung nghĩa bị gian thần hãm hại.

Từ những ví dụ trên không khó nhận ra, tất cả các ngày lễ Cải Hỏa Hàn Thực bao gồm Lễ Cấm Lửa, tựu trung lại đều là nghi thức đón chào mùa xuân (ngày dài đêm ngắn) sau khi mùa đông (ngày ngắn đêm dài) kết thúc. Cấm lửa là để chào đón Hằng Tinh của tự nhiên, ăn trứng chim vì nó tượng trưng cho Hằng Tinh (tròn, nuôi dưỡng sinh mệnh, có thể bay lên trời cao, báo hiệu bình minh).

Trên thực tế, dù trên thế giới có rất nhiều ngày lễ, nhưng nếu chúng ta truy ngược khởi nguồn của những ngày lễ này, sẽ phát hiện người cổ đại đều rất đơn thuần, họ chỉ quan tâm ba việc: Khi nào có mặt trời, khi nào có mưa, chúng ta đã hại người tốt nào chết oan.

Trong tài liệu lịch sử, văn nhân và sử gia đều dốc sức xây dựng nên một thể loại tự sự lịch sử: Từng có một vị anh hùng vì chống lại quý tộc ở Thời Đại Thần Giáng mà rơi vào oan ngục, vị anh hùng này về sau được thả, hợp tác với Toại Hoàng, hy sinh thân mình để cản phá sự tấn công của Thợ Dệt Cánh, người này về sau đã trở thành Tư Mệnh Đế Cung.

Bây giờ, chúng ta tạm gác những tranh luận về nguồn gốc của Đế Cung sang một bên, bàn luận một vấn đề đơn giản khác: Tại sao con người luôn gán những ngày lễ đã có từ xưa lên những người tốt bị chết oan?

Đáp án thực ra rất đơn giản, vì đối diện với cường quyền bạo hành, dối trá, bóp méo chân lý, che đậy lịch sử trong bóng tối, con người luôn trở nên nhỏ bé và bất lực, nhưng người phàm có vũ khí của người phàm, họ lấy những sự tích oanh liệt tưởng tượng thành bài hát ca tụng chính nghĩa, sau đó ghép bài ca này lên nghi thức liên quan đến ánh nắng và mưa, khiến chúng trở thành một câu chuyện mới mẻ.

Như vậy, trừ phi người cầm quyền có thể hủy diệt Hằng Tinh, khiến nước mưa bốc hơi, khiến mùa màng không tuần hoàn nữa, khiến chim thú không thể kêu, nếu không, họ sẽ mãi mãi không thể cấm bài ca chính nghĩa này tiếp tục truyền thừa.